Bốn chữ D giữ cho nhà khô ráo.
Nhà xứ tuyết thì đương nhiên sợ cái Lạnh nhất, nhưng thực tế cho thấy, làm hỏng nhà cửa, đáng sợ nhất là cái Ẩm Ướt. Tường nhà bị ngấm nước sẽ là nguyên nhân dẫn đến ẩm, mốc gây hại sức khỏe người sử dụng và nhanh chóng làm hỏng các cấu kiện bằng gỗ trong ngôi nhà.
Để đảm bảo tường khô ráo, công thức 4 chữ Lắm ... à nhầm... 4 chữ D luôn luôn được áp dụng trong thiết kế và xây dựng.
1. Deflection (dẫn nước ra xa nhà)
Tường tiếp xúc trực tiếp với nước (mưa, tuyết) càng nhiều thì càng có nguy cơ bị ngấm. Do đó, ngôi nhà cần các cấu kiện dẫn nước ra xa tường nhà, đặc biệt là các vị trí nhạy cảm như cửa sổ, cửa đi. Bạn có thể thấy chức năng này ở các cấu kiện lớn của ngôi nhà, ví dụ mái nhà thường được vươn ra xa tường (overhang) hay các mái ô văng (canopy) trên cửa sổ, cửa đi, đây là những giải pháp đơn giản nhưng đặc biệt hiệu quả ngăn nước xâm nhập. Ở chi tiết detail nhỏ hơn, chữ D này được áp dụng với các chi tiết như flashing phía trên, dưới cửa sổ-cửa đi.
2. Drainage (Thoát nước)Cho dù bạn hoàn thiện mặt ngoài bằng gỗ hay vinyl siding, gạch hay stucco, nước luôn có cách vượt qua lớp bảo vệ ngoài cùng, do đó trong thiết kế và xây dựng, cấu tạo tường cần có đường thoát nước. Đường thoát nước thường được bố trí dưới cùng của lớp hoàn thiện (chân tường, trên cửa sổ, cửa đi, vị trí chuyển tiếp giữa 2 vật liệu,...), có flashing để đẩy (deflection) nước thoát ra xa chân tường.
Nếu nhà bạn có lớp hoàn thiện bằng gạch, bạn sẽ tìm thấy một số khe gạch ở trên cửa sổ, cửa đi và đặc biệt là ở hàng cuối cùng để thoáng, không trát vữa để thoát nước (weep holes). Nhiều nhà, tường bị ẩm (nhất là phía chân tường) là do những khe thoát nước này bị tắc do bẩn, nước không thoát ra được, ngấm vào trong. Hi vọng, không có bạn nào thấy khe gạch bị hở, cho là thợ làm ẩu, lại trát vữa bịt kín lại những khe này 😅.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy cửa sổ cũng áp dụng chữ D này với các lỗ nhỏ thoát nước (weephole) dưới đáy. Những lỗ này ít khi hình tròn và thường dẹp dài (hình oblong). Nguyên nhân là do sức căng mặt ngoài của nước, các lỗ tròn thoát nước khó hơn. Nhà bạn tôi, thợ lắp cửa sổ ngược (upside down), xong họ khuyên chủ nhà không cần sửa vì "không vấn đề gì" 😅. Thực ra đây là lỗi cực kỳ nghiêm trọng và đảm bảo sẽ bị nước ngấm vào nhà.
Vệ sinh các weep holes (của tường gạch và cửa sổ) mỗi năm một lần có thể giúp bạn tránh nguy cơ bị nước ngấm phía chân tường, quanh cửa sổ và tăng tuổi thọ của lớp gạch hoàn thiện cũng như cửa sổ.
Trước kia, chữ D này ít được quan tâm, do mọi người nghĩ rằng có thể hoàn toàn ngăn được nước xâm nhập cấu kiện tường. Thực tế cho thấy, cho dù ta thực hiện 2 chữ D đầu tiên (Deflection and Drainage) tốt đến đâu, tường cũng sẽ bị nước xâm nhập trong quá trình thi công hoặc trong thời gian sử dụng. Do đó, chữ D thứ 3, Drying, là vô cùng quan trọng. Cấu kiện tường cần có khả năng tự khô khi bị ẩm. Càng ngày ta càng thấy cấu tạo tường chú trọng hơn đến tốc độ tự khô. Các hệ thống tương đối hiện đại như Rain Screen Wall, đều có các khoảng trống phía sau lớp vật liệu hoàn thiện để tạo dòng di chuyển của không khí, giúp tường khô nhanh hơn.
4. Durability (độ bền)
Chữ D cuối cùng là đơn giản nhất chính là độ bền của vật liệu và cấu kiện bao gồm các vật liệu hoàn thiện, các lớp membrane, các chi tiết flashing,... Những bộ phận này phối hợp với nhau để giúp ngôi nhà tránh bị nước xâm nhập làm hư hỏng.
Kết luận:
Thực tế thì nguyên tắc 4 chữ D ở trên được áp dụng trong xây dựng ở tất cả các nơi trên thế giới không riêng gì Canada. Các ngôi nhà Việt Nam cũng áp dụng rất tốt phương thức này, đặc biệt là Deflection.
Tường nhà Việt Nam thường xây bằng gạch đặc (2 lớp hoặc 3 lớp gạch). Tường này được coi là sử dụng nguyên tắc Tích trữ (Storage) thay vì Drainage để chống nước mưa. Tức là tường sẽ hấp thụ nước khi bị mưa, nhưng do tường dày và khô nhanh nên nước không ngấm được vào trong. Hệ thống này không còn được sử dụng ở Canada do giá thành vật liệu và nhân công quá cao.
Nước thực sự rất vi diệu. Những tính chất cơ bản của Nước như Mao dẫn (capillary), Sức căng bề mặt, Thẩm thấu (osmotic),... làm cho Nước được coi một thử thách lớn nhất trong thiết kế và xây dựng. Trong các bài khác tôi sẽ phân tích sâu hơn cách thức tác động của Nước đến các bộ phận của ngôi nhà bằng những kiến thức vật lý phổ thông mà chúng ta đã học từ những năm cấp 2.